Thời Chương đế Giả_Quỳ_(Đông_Hán)

Hán Chương Đế nối ngôi, quan tâm Nho thuật, đặc biệt ưa Cổ văn Thượng thư, Tả thị truyện. Năm Kiến Sơ đầu tiên (76), Quỳ nhận chiếu vào giảng ở Bạch Hổ quán thuộc Bắc cung, Vân đài thuộc Nam cung. Chương đế thích lời giảng của Quỳ, sai ông chọn ra những yếu nghĩa thể hiện sự vượt trội của Tả thị truyện so với 2 truyện Công Dương (公羊) và Cốc Lương (谷梁) còn lại [8]. Quỳ trích xuất 30 câu chuyện từ Tả truyện, miêu thuật các mối quan hệ vua tôi, cha con, ví dụ: Sái Trọng, Kỷ Quý, Ngũ Tử Tư, Thúc Thuật,... nhằm khẳng định Tả truyện đề cao trung nghĩa, còn 2 truyện còn lại đề cao quyền biến [9]. Quỳ khẳng định Tả truyện phù hợp với quan điểm coi trọng trung hiếu của Nho giáo, nói rằng Ngũ kinh không nhắc đến, duy nhất Tả truyện có thể chứng mình họ Lưu là hậu duệ của Đế Nghiêu [10]; hơn nữa còn dùng Tả truyện để phản bác Ngũ kinh, nhằm khẳng định thiên mệnh thuộc về nhà Hán: Ngũ kinh đều nói Chuyên Húc thay thế Hoàng Đế, nên Đế Nghiêu không có Hỏa đức [11]. Tả truyện nói Thiếu Hạo thay thế Hoàng đế, như thế Đế Nghiêu mới có Hỏa Đức [12], nhà Hán mới hợp với màu đỏ (xích).

Chương đế đẹp lòng, ban cho ông 500 xúc vải, 1 bộ quần áo, lệnh cho Quỳ chọn 20 người tài cao trong chư sanh thuộc các học phái Công Dương Nghiêm thị học và Công Dương Nhan thị học [13], giao cho họ Tả truyện, nhằm giúp họ đối với kinh – truyện [14] xưa nay đều làu thông.

Mẹ của Quỳ thường có bệnh, Chương đế muốn khen thưởng, mượn cớ ông làm tốt việc hiệu chỉnh thư tịch, đặc cách lấy ra 20 vạn tiền, sai Dĩnh Dương hầu Mã Phòng ban cho ông. Đế nói với Phòng rằng: "Mẹ Giả Quỳ bệnh, ông ấy không ra ngoài, sẽ thiếu thốn giống như con trai nước Cô Trúc (nguyên văn: Cô Trúc chi tử) [15] ở núi Thú Dương đấy."

Quỳ nhiều lần nói với Chương đế về sự tương ứng giữa cổ huấn [16] trong Cổ văn Thượng thư và Nhĩ nhã của Kinh truyện, vì thế đế giáng chiếu lệnh cho ông biên soạn sự đồng – dị trong việc chú giải cổ văn giữa các sách Âu Dương, Đại/Tiểu Hạ Hầu Thượng thư. Quỳ tập hợp được 3 quyển, Chương đế hài lòng, lại lệnh cho ông soạn sự đồng – dị giữa Tề, Lỗ, Hàn thi và Mao thi [17]; ngoài ra Quỳ còn làm Chu quan giải cố. Sau đó Quỳ được thăng làm Vệ sĩ lệnh [18].

Năm Kiến Sơ thứ 8 (83), triều đình giáng chiếu thư cho Quỳ chọn học trò tài cao, truyền thụ Tả truyện, Cốc Lương truyện, Cổ văn Thượng thư, Mao Thi; do vậy 4 kinh này được lưu truyền ở đời. Bấy giờ đệ tử được chọn và môn sanh của Quỳ đều được bái làm Lang ở vương quốc Thiên Thừa [19]. Quỳ sớm tối dạy học ở Hoàng Môn thự, học trò đều hớn hở đến nghe giảng.